Chiều 02/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Theo quy định của luật mới, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Trong luật cũng nêu ra mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong luật này do Chính phủ quyết định.

Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay mức tham chiếu được dùng khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới, bỏ mức lương cơ sở.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm sẽ được hưởng lương hưu

Đáng chú ý luật đã mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội như giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng. Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản.

Người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về mức lương hưu hằng tháng, đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Người 75 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí

Luật mới quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.

Theo đó, người dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên và không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Người dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.