Lười biếng thường được xem là kẻ thù của thành công. Sau một thời gian dài sống trong trạng thái lười làm mọi thứ, bạn bắt đầu căm ghét nó tới mức muốn cắt bỏ dây thần kinh lười trong não để sống tích cực mỗi ngày.

“Lazy-girl job” không có nghĩa là lười biếng

Minh Hạnh (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội quyết định trở thành một người làm nghề marketing tự do trên các nền tảng số sau 3 năm gắn bó với công việc văn phòng thiên về nhập liệu. Một số bạn bè và người thân cho rằng đây là hành động để Hạnh đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, còn cô gái trẻ thì nói rằng đây là “lazy-girl job” (công việc đòi hỏi ít nỗ lực và mang lại mức thù lao tối đa).

Hạnh cho biết cô từng làm việc 10 giờ/ngày khi còn đi làm hành chính với mức lương có thể chạm tới 20 triệu đồng mỗi tháng. Hiện tại, cô chỉ dành 4-5 giờ/ngày để quảng cáo các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da trực tuyến. Dù kiếm được ít tiền hơn trước đây nhưng Hạnh lại có nhiều thời gian rảnh hơn. Cô có thể tập thể dục, thiền, chơi với mèo mà vẫn đủ khả năng trang trải các loại chi phí cơ bản.

Trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam, Minh Hạnh và nhiều bạn trẻ khác đang chia sẻ về công việc “lazy-girl” của mình. Đối với những người ưa thích phong cách làm việc này, công việc lý tưởng của “lazy-girl” là làm ở nhà, có sếp dễ tính và kết thúc công việc lúc 5h chiều, nhận mức lương vừa đủ mỗi tháng. Số tiền này đủ để họ trang trải các chi phí cơ bản đối với một người trưởng thành mà không phải làm thêm giờ.

Tuy nhiên, một số người cũng phản đối phong cách làm việc này. Họ cho rằng việc thích làm công việc lười biếng là thái độ sai lầm khi gây dựng sự nghiệp. Trái lại, nhiều phụ nữ trẻ tự gọi mình là “lazy-girl” trên mạng khăng khăng rằng họ không có gì khác biệt. Sau thời gian đi làm và căng thẳng vì công việc, họ chia sẻ mình thấy hạnh phúc với lựa chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hashtag “lazy-girl job” đã có gần 18 triệu lượt xem trên TikTok với những nội dung về cảnh các cô gái gõ bàn phím, cùng những dòng chữ nói về quyền lợi mà họ được hưởng, chẳng hạn như không có người quản lý từng chút một và lịch làm việc linh hoạt, giúp họ có thể đưa chó đi dạo vào giữa buổi ngày.

Giống như xu hướng nghỉ việc trong thầm lặng, phong cách làm việc “lazy-girl” cũng phổ biến đối với những người ở độ tuổi 20-30. Họ đang “vẽ lại” ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống và công việc sau đại dịch.

Khác với tên gọi của mình, những người theo đuổi nhóm công việc “lazy-girl job” không thực sự là một nhân viên lười biếng. Thuật ngữ này không có ý mỉa mai phụ nữ, ám chỉ họ lười biếng hay gàn dở trong công việc. Chỉ đơn giản là công việc này sẽ giúp nhiều phụ nữ trẻ tuổi thanh toán các hóa đơn, đồng thời cân bằng giữa công việc và cuộc sống dù điều này sẽ mang lại một cảm giác giống như bản thân đang lười biếng.

Không phải chỉ phái nữ chọn “lười biếng”

Theo một nghiên cứu của Google tháng 6/2023, cứ 10 người lao động trẻ ở Việt Nam thì có 5 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mức tối đa. Khảo sát này thực hiện với sự tham gia của hơn 10.000 người trưởng thành đang đi làm. Lý do đang khiến họ cảm thấy “chán nản” nhất chính là văn hoá nơi làm việc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít nam giới trong độ tuổi đi làm đã chia sẻ về những mặt trái trong công việc của họ. Họ phàn nàn về việc sếp khó tính, lương thấp và cảm thấy có lỗi khi nghỉ phép.

Trần Minh Hoàng (30 tuổi), một quản lý nhân sự trong lĩnh vực marketing cho biết anh không phản đối việc đi làm nhưng nhận thấy văn hoá làm việc liên tục đang khá “độc hại”. Hơn nữa, anh Hoàng không nghĩ rằng “lazy-girl” là lười biếng.

“Đại dịch đã “đưa đẩy” chúng ta đến với những công việc từ xa. Với giờ làm việc linh hoạt, mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Điều đó có nghĩa là bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào, chúng ta đều có thể lựa chọn làm người “lười biếng” nếu không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung”, anh Hoàng chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên - một người từng dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về xu hướng làm việc của giới trẻ cho rằng, từ “lazy” (lười biếng) trong cụm từ lazy-girl nhằm mô tả trạng thái trái ngược với sự hối hả của môi trường công việc truyền thống. Điều này không có nghĩa rằng những người làm công việc thuộc nhóm này là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ.

“Quan điểm này phù hợp với đối tượng là những người trẻ tuổi hơn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong một nghề nghiệp cố định. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi quyết định con đường phù hợp với bạn là biết ưu tiên của bạn là gì. Nếu bạn là người có mục tiêu và thích phát triển trong môi trường áp lực cao, thì một công việc đầy thử thách có thể phù hợp với bạn.

Mặt khác, nếu bạn là người coi công việc như một phương tiện để kết nối xã hội, để tránh việc quá rảnh rỗi... hoặc bạn không phải lo toan quá nhiều về chi phí sinh hoạt... thì “lazy-girl job” không phải là một lựa chọn tồi.

Mỗi chúng ta đều có vai trò trong bất kỳ công việc nào chúng ta làm và trong thời đại mà các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần diễn ra gay gắt, điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng thành công cuối cùng là những gì khiến chúng ta thật sự hài lòng. Cho dù đó là “lazy-girl job” hay bất kỳ công việc nào khác, thì cuối cùng việc chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quan trọng nhất”, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên chia sẻ.

Sau những phút thoải mái, tự do ban đầu, làm việc tại nhà trong một thời gian dài, tôi dần stress, uể oải, mất động lực phấn đấu.

Khi cả nước bắt đầu mở cửa trở lại, các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, câu hỏi "nên tiếp tục làm việc từ xa hay quay lại văn phòng?" cũng trở thành chủ đề được đưa ra tranh luận. Thời gian qua, tôi thấy có nhiều bài viết nói về những lợi ích của làm việc từ xa, cụ thể là tại nhà trong mùa dịch, ngay cả khi đợt bùng dịch đã tạm qua đi. Có thể kể đến một vài ưu điểm nổi bật thường được nêu ra như: thoải mái về giờ giấc, tiết kiệm chi phí đi lại, nâng cao sức khỏe, tăng tính chủ động trong công việc, cân bằng được công việc và cuộc sống...

Tôi không hề phủ nhận những mặt tích cực đó của phương pháp làm việc tại nhà, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới và thế giới bắt đầu thay đổi những quan điểm về xu hướng làm việc mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phủ nhận hoàn toàn những tính ưu việt của phương thức làm việc truyền thống tại văn phòng. Thế nên, trong phạm vi bài viết này, tôi xin tập trung vào những lợi ích của làm việc tập trung, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn cân bằng và lựa chọn cho mình được một phương thức làm việc phù hợp nhất với nhu cầu và tính chất công việc của bản thân.

Tôi là một nhân viên văn phòng đã có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc ở nhiều tổ chức lớn nhỏ, cả trong và ngoài nước. Đợt dịch vừa qua, công ty tôi cũng cho nhân việc thực hiện làm việc luân phiên, kết hợp cả làm từ xa và tập trung tại văn phòng. Nói về tính chất công việc, tôi không thấy quá nhiều khác biệt khi làm việc tại nhà hay tại công ty, vì cơ bản công việc của tôi vẫn được giải quyết khá trôi chảy. Tuy nhiên, khi xét trên các khía cạnh khác ngoài kết quả công việc, tôi có thể nhận thấy một vài sự khác biệt.

Thứ nhất, làm việc tại nhà, tôi có thể tiết kiệm một phần chi phí đi lại, ăn uống bên ngoài. Tuy nhiên đó chỉ là trong thời gian đầu. Sau một tháng làm việc tại nhà, thực tế chi phí sinh hoạt của tôi không giảm đi mà còn có phần tăng thêm so với trước.

Thay vì chi phí xăng xe, ăn hàng quán, tôi lại tốn nhiều tiền hơn cho điện, nước sinh hoạt khi phải ở nhà 24/7, tiền ship đồ ăn về nấu nướng tại nhà. Tiền điện nhà tôi tháng nghỉ tránh dịch tăng gấp đôi bình thường vì tôi dùng quạt, máy tính, đèn, bếp điện liên tục. Trước đi đi làm cả ngày nên tôi thường chỉ ở nhà buổi tối, cũng không phải dùng điện nhiều. Thế nên, nếu nói làm ở nhà tiết kiệm chi phí hơn, tôi nghĩ rằng không đúng, đơn giản là chuyển từ khoản tiêu này sang khoản tiêu khác mà thôi.

Thứ hai, xét về điều kiện làm việc, nếu như làm việc ở nhà, tôi không phải lo lắng về thời gian, không gian làm việc. Thay vì đi làm sớm, có mặt đúng giờ để điểm danh, ngồi nghiêm túc làm việc tại văn phòng, giờ tôi có thể lười biếng thêm một chút (dậy muộn hơn, nghỉ sớm hơn, nằm hay ngồi làm việc tùy ý). Đương nhiên, đi kèm với đó là khả năng tập trung của tôi cũng bị giảm đi đáng kể. Làm việc ở nhà, có rất nhiều vấn đề phát sinh khiến quãng thời gian làm việc của tôi luôn bị gián đoạn. Tình trạng này có lẽ rõ nhất với những người đã lập gia đình và có con cái. Hiếm khi nào tôi có thể ngồi một chỗ làm việc từ đầu buổi đến cuối buổi, thường cứ một tiếng tôi lại có việc riêng phải đi giải quyết, và công việc buộc phải tạm gác lại. Nên bạn cũng đừng vội cho rằng làm ở nhà năng suất hơn ở công ty.

Thứ ba, về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Để làm việc ở nhà, tôi phải tốn một khoản không nhỏ sắm sửa bàn, ghế, nâng cấp mạng internet và các thiết bị đi kèm phục vụ cho công việc... Không những vậy, những sự cố bất ngờ trong lúc làm việc cũng là một trở ngại không hề nhỏ phải vượt qua. Chuyện mất điện, mất mạng, máy tính hỏng bất ngờ xảy ra không ít. Và đương nhiên những lúc như vậy, tôi phải tự tìm cách khắc phục chứ chẳng có đội ngũ kỹ thuật nào "ứng cứu". Đó cũng là một lý do khiến công việc khi làm từ xa bị hạn chế hơn so với làm tại văn phòng.

Điều cuối cùng, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, chính là vấn đề đề giao tiếp trong công việc. Để công việc của bạn diễn ra suôn sẻ, không chỉ cần đến năng lực bản thân mỗi người, mà còn đòi hỏi bạn phải có một kỹ năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, đối tác, khách hàng. Làm việc tập trung, đương nhiên bạn sẽ có cơ hội để thường xuyên cải thiện các mối quan hệ đó. Tuy nhiên, chuyện đó không còn đơn giản khi phải làm việc từ xa. Những cuộc nói chuyện, trao đổi để hiểu và gắn kết với những người xung quanh ở chỗ làm của tôi (đôi khi chỉ là câu chào bên cây nước) dần bị thay thế bằng những đoạn chat, tin nhắn trên mạng xã hội hay điện thoại di động. Đôi khi, tôi có cảm giác bị cô lập giữa bốn bức tường, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua các thiết bị di động. Điều đó làm giảm cảm giác hưng phấn và động lực làm việc, phát triển bản thân của tôi.

Ít giao tiếp, tôi cũng mất đi những cơ hội học hỏi, cọ xát, thậm chí là ganh đua trong công việc với các động nghiệp. Tất cả giờ chỉ gói gọn lại trong việc giải quyết cho hết việc được giao, không chia sẻ, hỏi han, đồng cảm, gắn kết. Thời gian làm việc tại nhà càng nhiều, sự bí bách trong tôi càng tăng dần lên, nhiều khi tôi stress, uể oải, mất động lực mà không rõ lý do vì sao?

Tóm lại, phía sau những thứ đẹp đẽ ban đầu khi không phải tới văn phòng làm việc mỗi ngày, bạn sẽ dần nhận ra những mặt trái không mấy vui vẻ khi quanh quẩn trong bốn bức tường nhà mình ngày này qua tháng khác. Thế nên, khi nghe thông tin được đi làm bình thường trở lại từ đầu tháng này, tôi vui mừng vỡ òa, chẳng khác gì những người trong vùng phong tỏa vừa hết thời hạn cách ly.

Đã có rất nhiều ý kiến về lựa chọn cách thức làm việc, cả về tích cực lẫn tiêu cực. Có người ủng hộ làm việc tại nhà, có người bảo lưu quan điểm nên làm việc tập trung tại văn phòng. Tuy nhiên, làm việc ở đâu sẽ còn phụ thuộc quan điểm của từng cá nhân và của các tổ chức. Bởi vậy, rất khó để kết luận làm việc ở đâu tốt hơn khi hiệu quả công việc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, trách nhiệm, cũng như sự thích nghi của mỗi người.

Đừng quá mơ tưởng về những viễn cảnh đẹp đẽ của làm việc từ xa như nhiều người vẫn đang ca tụng, quan trọng là bạn phải biết phương thức nào phù hợp với tính chất công việc cũng như hoàn cảnh của mình. Đôi khi, đến văn phòng làm việc lại mở ra cho bạn những mối quan hệ mới, mang đến những cơ hội thăng tiến mà làm việc từ xa không thể có được.